Chia sẻ với Tiền Phong, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra một số quan điểm về thực trạng thị trường BĐS Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2023 cũng như ảnh hưởng tích cực của quy hoạch đến vị thế của thành phố này.
Thực trạng thị trường BĐS Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2023
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nửa đầu năm 2023, thị trường BĐS Hải Phòng là điểm sáng của cả nước. Cuối quý 1/2023, trong khi thị trường BĐS cả nước vẫn tiếp tục trạng thái trầm lắng, chờ đợi, thị trường BĐS Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu tích cực. Một loạt công trình dự án trọng điểm được hoàn thành, khởi công triển khai xây dựng, từ các công trình giao thông tới việc khởi công các dự án nhà ở xã hội,…
Từ đầu quý 2, thị trường BĐS Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn, lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều với mức giá tăng từ 5-10% so với quý 1.
Từ đầu quý 2, thị trường BĐS Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn, lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều với mức giá tăng từ 5-10% so với quý 1. |
6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đứng đầu về lượng dự án nhà ở xã hội khởi công.
Trong giai đoạn này, khu vực Hải Phòng ghi nhận khoảng 11 dự án mở bán, đưa ra thị trường gần 2.500 sản phẩm.
70% nguồn cung là sản phẩm căn hộ cao cấp đến từ các dự án ở quận Lê Chân. Không có dự án đất nền nào được mở bán tại Hải Phòng trong nửa đầu năm 2023. Nguồn cung BT/LK Nhà phố hoàn toàn là các sản phẩm tồn kho ở 2 dự án đã mở bán trước.
Tỷ lệ hấp thụ giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2023 là 18,2%, tương đương với 443 giao dịch. Riêng quý 2, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%, tăng hơn mức 18% ở cùng kỳ năm 2022.
Phân khúc chung cư dẫn đầu lượng giao dịch thị trường BĐS Nhà ở Hải Phòng. Các dự án mở bán đều ghi nhận lượng hấp thụ tốt, phát sinh giao dịch đều đặn. Một số dự án gần như đã bán hết.
Đất nền, nhà phố kinh doanh, giá trị dưới 2 tỷ đồng sôi động, ghi nhận hàng trăm giao dịch trong tháng 6.
Giá bán BĐS nhà ở càng về sau càng ổn định, thậm chí tăng nhẹ trong quý 2. Giá bán CHCC trong quý 2 tăng 5% – 7% so với quý 1.
Giá bán sơ cấp sản phẩm BT/LK Nhà phố tăng theo phân khúc giá. Trong quý 2, chủ đầu tư tăng giá bán khoảng 5% với phân khúc cao cấp, 10% với các phân khúc bình dân. Trong khi tại thị trường thứ cấp, giá bán duy trì khá ổn định.
Giá bán đất nền, nhà phố kinh doanh tăng 5% so với đầu tháng 4. BĐS du lịch, nghỉ dưỡng: các dự án đã đưa vào vận hành khai thác đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tăng cao. Các dự án đang mở bán đã hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng mua bán, tiến độ triển khai tốt, cũng ghi nhận lượng giao dịch đều.
6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đã thành lập 3 Cụm công nghiệp với quy mô 150ha. Nhiều dự án đầu tư tại Hải Phòng đã mở rộng chuỗi cung ứng, hình thành lên chuỗi liên kết ngành quy mô lớn. 3 năm tới, Hải Phòng dự kiến sẽ xây dựng 15 KCN mới với tổng diện tích 6200 ha, thu hút 12-15 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Nhu cầu BĐS công nghiệp tăng cao, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là các dự án có sẵn kho bãi, nhà xưởng có quy mô dưới 3ha ở khu vực vùng ven. Môi giới BĐS CN còn ít, chưa chuyên nghiệp.
Ông Đính cho biết nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện với hàng loạt các dự án đang được triển khai.
Nhu cầu mua bất động sản vẫn được duy trì ở mức tốt. Vẫn đảm bảo đủ độ hấp dẫn, để kích thích các hoạt động đầu tư, phát triển BĐS. Nhất là tại những địa phương có sự phát triển mạnh về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao.
Giao dịch tập trung ở phân khúc nhà ở thấp tầng, chung cư cao cấp. BĐS công nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì tỷ lệ lấp đầy, với giá thuê có thể tăng nhẹ.
Dự kiến trong quý 3, sẽ có khoảng 800 sản phẩm thấp tầng được đưa ra thị trường. Lượng sản phẩm mở bán mới này được kỳ vọng sẽ sẽ dẫn dắt thị trường, kéo giá nhà khu tái định cư, khu đô thị… tăng lên.
Đất thổ cư trong dân ở các khu vực đầu tư phát triển mạnh về hạ tầng và vùng ven KCN có khả năng tiếp tục tăng giá.
Theo ông Đính, thị trường BĐS Hải Phòng phát triển lành mạnh, bền vững, là điểm sáng ấn tượng nhất thị trường BĐS Việt Nam trong nửa đầu năm 2023.
Kết quả đó là nhờ sự quan tâm từ các cấp TW, những nỗ lực của thành phố trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; nhờ các dự án lớn của các Tập đoàn kinh tế tên tuổi, khai thác, phát huy tiềm năng của thành phố cảng.
Quy hoạch Hải Phòng đã thay đổi vị thế Hải Phòng
Trước khi bàn đến những ảnh hưởng tích cực của quy hoạch Hải Phòng, ông Đính đưa ra một số quy định quy hoạch thành phố Hải Phòng.
Thứ nhất, xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết khu vực và kết nối quốc tế. Là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.
Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững. |
Các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Hải Phòng phải gắn liền với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, sinh thái; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân; chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân.
Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chú trọng đầu tư phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố Hải Phòng.
Tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, truyền thống cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng.
Về chủ trương quy hoạch thành phố Hải Phòng, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt tiêu chí đô thị loại I.
Đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại; trung tâm quốc tế về các hoạt động trong ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển.
Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Nói đến thực trạng đầu tư phát triển hạ tầng các khu kinh tế (công nghiệp, du lịch), đô thị, phải kể đến việc xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ (chiều dài khoảng 1.138 m); Xây dựng đê tả sông Cấm (chiều dài khoảng 2.016 m); Xây dựng hệ thống giao thông chính Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (chiều dài khoảng 9.958 m); Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm,…
Nửa đầu năm 2023, Hải Phòng đã hoàn thành một loạt dự án hạ tầng: đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh); dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ.
Triển khai các dự án ngoài ngân sách như: Nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Dự án xây dựng công trình đa chức năng tại số 4 Trần Phú; Dự án Khu đô thị Hoàng Huy New City và Hoàng Huy Green River tại Thủy Nguyên; Dự án phát triển khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo,..
Hải Phòng có các khu công nghiệp quy mô lớn: KCN Vsip, KCN Tràng Duệ, KCN Đình Vũ, KCN – đô thị Tràng Cát, KCN Nam cầu Kiền, KCN Nomura,…
Thành phố này tập trung phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hoàn thành Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng, giai đoạn 1 Dự án Khu du lịch Cát Giá – Cát Bà (Cát Bà Amanita); thúc đẩy triển khai Dự án Khu đô thị du lịch dịch vụ Cát Đồn, Khu du lịch dịch vụ Vịnh trung tâm Cát Bà; tuyến cáp treo Phù Long – Cát Bà…
Hình thành, phát triển các chuỗi sinh thái đô thị, với nhiều mô hình đa dạng; phát triển hạ tầng giao thông, cầu cống, cây xanh, chiếu sáng,… đồng bộ, bắt kịp tiến độ phát triển đô thị.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết Hải Phòng có những lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, cùng với những nỗ lực của thành phố trong việc chú trọng xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, thúc đẩy liên kết vùng. Từ đây, thành phố sẽ thúc đẩy Du lịch, thương mại, công nghiệp,.. phát triển, làm gia tăng lực cầu đầu tư và nhu cầu của thị trường BĐS, tạo nền tảng để thị trường Hải Phòng phát triển đồng loạt các phân khúc.
Đặc biệt, theo quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ có thêm thành phố và loạt đô thị cảng biển. Cùng với thông tin quy hoạch, thành phố cảng biển cũng đang chuẩn bị đón nhận nhiều dự án quy mô lớn, điển hình như dự án tỷ đô của Vinhomes, hứa hẹn sẽ kéo theo hàng loạt làn sóng đầu tư. Thị trường BĐS Hải Phòng sẽ bứt phá, phát triển sôi động và lành mạnh trong tương lai.
Lê Trang/baotienphong