Hội thảo cũng là hoạt động bên lề Giải Vô địch Golf Quốc gia 2022 – Cúp VinFast do Tổng cục Thể dục Thể thao, UBND thành phố Hải Phòng, báo Tiền Phong và Hiệp hội Golf Việt Nam phối hợp tổ chức trên sân Vinpearl Golf Hải Phòng.
Hội thảo quy tụ đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV) |
Hội thảo tập trung ba vấn đề chính: (1) Bức tranh thực trạng của bất động sản Hải Phòng, những tiềm năng, thế mạnh nổi trội của thị trường bất động sản nơi đây; (2) Phân tích khó khăn, bất cập về quy hoạch, quản lý đất đai… đang làm cản trở đà phát triển của thị trường bất động sản Hải Phòng; (3) Giải pháp tháo gỡ nút thắt quy hoạch để thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển ổn định, lành mạnh, trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế.
Hội thảo được kỳ vọng là diễn đàn để trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực, hỗ trợ quá trình tháo gỡ nút thắt về quy hoạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Hải Phòng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, Hải Phòng đang đứng trước nhiều cơ hội quảng bá giới thiệu tiềm năng và cơ hội phát triển về kinh tế – xã hội, văn hóa, du lịch. Trong thị trường bất động sản, quy hoạch rất quan trọng vì có thể mở ra những không gian phát triển của thành phố về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đặc biệt mở ra cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư thuận lợi. Quy hoạch tốt cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt công tác quản lý trong lĩnh vực rất khó khăn này mà thực tế đang có nhiều vướng mắc. Hội thảo thị trường bất động sản tập trung gỡ những vướng mắc, nút thắt quy hoạch đó.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, giá trị bất động sản của Hải Phòng những năm gần đây đang tăng đột biến. Đặc biệt năm 2021, tất cả các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại Hải Phòng đều thành công. Hải Phòng là một trong những địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về bất động sản, với năm hệ thống giao thông, trong đó có Cảng Nước sâu quốc tế Lạch Huyện và Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, có hệ thống đường cao tốc, có lực lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng lớn.
Do đó, để tận dụng lợi thế và đón bắt làn sóng đầu tư vào bất động sản, khâu đầu tiên Hải Phòng quan tâm là cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, để làm sao tạo được sự hài lòng cho các nhà đầu tư, cũng như người dân trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tiếp đó là cải cách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có thể rút ngắn nhất thời gian giao đất, hỗ trợ thủ tục pháp lý để nhà đầu tư được nhận đất sớm nhất, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục về đấu thầu, đấu giá, để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường và thu hồi vốn sớm nhất có thể.
Ứng dụng công nghệ số, minh bạch quy hoạch và thông thoáng chính sách pháp luật sẽ tăng thu hút đầu tư cho thị trường bất động sản
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: PV) |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ ra 3 lưu ý để “gỡ nút thắt” của thị trường Hải Phòng, đó là: Thứ nhất, Hải Phòng phải làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Thứ hai, đề nghị thành phố công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua. Thứ ba, thành phố cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản thị trường để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã phân tích và nêu ra một số kiến nghị, đề xuất thiết thực để thị trường bất động sản Hải Phòng thực sự phát triển hiệu quả và bền vững. Như kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Hải Phòng cần lưu ý tới giá đất cũng như hạ tầng cơ sở phục vụ cho các dự án thương mại, đặc biệt cho các phân khúc trung và cao cấp cùng với đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội… Cũng theo ông Đính, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn nhằm ổn định giá bán, doanh nghiệp bất động sản cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào đây. Công khai toàn bộ các thông tin quy hoạch và công bố rộng rãi cho người dân. Mọi thay đổi về thông tin quy hoạch cần được cập nhật nhanh chóng nhất có thể, giúp thị trường minh bạch, giảm thiểu sốt ảo đất có thể gây nhiều hệ lụy. Ưu tiên quỹ đất nhà ở xã hội. Cần có chính sách thu hút mạnh hơn với sản phẩm bất động sản du lịch.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên đề xuất: cần định hướng phát triển Hải Phòng như một trung tâm kinh tế biển, tiếp cận theo hướng kinh tế xanh và bền vững.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, cần phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở với các dự án, gia tăng giá trị dài hạn cho thị trường bất động sản cũng như tăng cường công khai minh bạch, góp phần lành mạnh thị trường và thu hút những nhà đầu tư thực sự.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường thẳng thắn thừa nhận còn vướng mắc về quy hoạch, dữ liệu và hạn mức sử dụng đất cũng như hệ thống dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan nhất là dữ liệu số của ngành xây dựng cùng tài nguyên và môi trường còn chưa tốt, kéo theo việc minh bạch thông tin cho người dân và nhà đầu tư để triển khai xây dựng các chiến lược phát triển bị chậm. Cũng theo bà Mỹ, song hành với sửa đổi bổ sung các quy định của Luật đất đai thì Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng được sửa đổi, bổ sung, thống nhất và đồng bộ với các chính sách pháp luật đất đai để có hành lang pháp lý đồng bộ cho thị trường bất động sản. ”Hiện nay, Bộ cũng đã dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai để lấy ý kiến. Chúng tôi hy vọng Nghị định này cùng với một số văn bản được ban hành mới đây sẽ phần nào tháo gỡ được các nút thắt này’’- bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi thiết thực, cởi mở để cùng nhau phát triển thị trường bất động sản Hải Phòng bền vững (Ảnh: PV) |
Về quy hoạch, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho rằng, với vị trí và tầm quan trọng của Hải Phòng, Chính phủ đã ban hành các chủ trương, chính sách, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật để Hải Phòng phát triển. 1 trong 3 Nghị quyết của Quốc hội cho phép cơ chế thí điểm tại một số địa phương thì Hải Phòng là 1 trong những địa phương đó. Bộ cũng đã Dự thảo và Thủ tướng ban hành Nghị quyết số 10 thông tin chi tiết về quy định về trình tự thủ tục, trong đó cũng có nhấn mạnh tới việc Hải Phòng được thí điểm chuyển mục đích sử dụng đất lúa với phạm vi 500ha, đồng thời cho phép HĐND TP. làm nhiệm vụ này. Hy vọng chính sách này là động lực, là cơ sở, căn cứ pháp lý để Hải Phòng tiếp tục bứt phá ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo. “Chúng tôi cân nhắc 10 năm phát triển liên tục của Thành phố để đưa ra con số đảm bảo tính khả thi. Nếu Hải Phòng bứt phá, phát triển thì năm 2024, Bộ sẽ rà soát chỉ tiêu và trên cơ sở đó tiếp tục điều chỉnh trong năm 2025. Với các chính sách pháp luật nói chung và với chính sách đặc thù riêng đối với Hải Phòng thì các mục tiêu tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra cùng với quyết tâm chính trị, của cả hệ thống chính trị của địa phương thì Hải Phòng không cần phải chờ đến năm 2045 mà việc đẩy nhanh tiến độ thời gian đạt mục tiêu sẽ hoàn toàn khả thi”, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ nhận định.
Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp cùng bày tỏ mong muốn Hải Phòng sẽ gia tăng thêm độ mở và hút các nhà đầu tư với các cơ chế công khai, minh bạch cùng nhiều chính sách ưu đãi; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết một cách bài bản khoa học và phù hợp với diễn biến thực tế, để Hải Phòng phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một thành phố biển. Các doanh nghiệp cũng nhận định rằng, hiện tại, định hướng chính sách tốt nhưng thực thi đang lúng túng và chồng chéo. Liên quan tới quy hoạch, vẫn chưa số hóa thông tin dữ liệu và còn tình trạng phân mảnh giữa các địa phương, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy hoạch và mở ra nhiều hoạt động chuyển đổi số trong bất động sản hiệu quả và thiết thực./.
Lê Anh/Dangcongsan.vn