Thị trường đang khủng hoảng thiếu cung, 5 nhân tố nổi bật giúp Hải Phòng “cất cánh”
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản mới phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng
Thị trường mới phục hồi 30%
Chia sẻ tại một hội thảo về BĐS mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, có một sự đối lập rất rõ có thể nhận thấy trong cuộc khủng hoảng BĐS hiện tại và cuộc khủng hoảng BĐS diễn ra từ hơn 10 năm trước.
Theo ông Nghĩa, nếu giai đoạn thị trường “đóng băng” trong quá khứ bắt nguồn từ khủng hoảng dư cung thì giai đoạn hiện tại là cuộc khủng hoảng thiếu cung. Bản chất của cả 2 cuộc khủng hoảng đều là mất cân bằng cung cầu.
Quan sát thị trường trong thời gian qua, vị chuyên gia nhận định, thị trường mới phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng. Dấu hiệu phục hồi tương thích với một nền kinh tế đang diễn biến theo hình chữ U, thay vì chữ V, tức là một nền kinh tế mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn, không riêng gì BĐS.
Không quá lạc quan, ông Nghĩa cho rằng, các khó khăn của thị trường BĐS có thể kéo dài đến quý II và quý III năm sau. Một trong những phân khúc, loại hình được kỳ vọng “phá băng” thị trường BĐS là nhà giá rẻ và nhà ở xã hội vẫn chưa được thúc đẩy nguồn cung mạnh mẽ.
Đến nay, thị trường BĐS tỉnh đã có sự khởi sắc nhưng so với các năm trước, bức tranh chung của thị trường vẫn chưa thực sự sáng. Các dự án mới ra hàng ghi nhận tình trạng bán chậm, dù nhiều dự án là sản phẩm của chủ đầu tư lớn, uy tín, pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Tiềm năng hội tụ, BĐS Hải Phòng “cất cánh”
Ngày 22/9 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị “BĐS Hải Phòng: Điểm sáng trong từng phân khúc”, TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho biết, Hải Phòng là 1 trong 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ và hiện đại.
Hải Phòng cũng một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục lớn nhất tại khu vực phía Bắc và Duyên hải Bắc bộ. Vì vậy, cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Hải Phòng được đánh giá là vùng đất sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Chia sẻ rõ hơn những tiềm năng và triển vọng to lớn của từng phân khúc thị trường BĐS Hải Phòng, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh 5 nhân tố nổi bật.
Thứ nhất, Hải Phòng có quỹ đất rộng và nguồn lao động nhập cư dồi dào tại các khu công nghiệp (KCN); Thứ hai, Hải Phòng có mặt bằng giá BĐS hiện còn thấp và tăng chậm; Thứ ba, những điều chỉnh quy hoạch Hải Phòng đang làm tăng tính hấp dẫn của thị trường BĐS nơi đây; Thứ tư, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư công chắc chắn có tác động tích cực đến thị trường BĐS tại Hải Phòng.
Cuối cùng, BĐS công nghiệp Hải Phòng đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư quốc tế, khiến thu hút FDI vào Hải Phòng luôn tăng cao trong nhiều năm qua. “Trong tương lai gần, Hải Phòng chắc chắn sẽ là thị trường BĐS sôi động, hấp dẫn giới đầu tư từ khắp cả nước”, ông Phong nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ, giữa tâm điểm thị trường còn nhiều biến động, BĐS Hải Phòng vẫn một “điểm sáng” do liên tục nhận được nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư. Một loạt công trình dự án trọng điểm được khởi công triển khai xây dựng, từ các công trình giao thông tới các dự án nhà ở xã hội.
“Kết quả trên là nhờ sự quan tâm từ các cấp Trung ương, những nỗ lực của thành phố trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; nhờ các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế tên tuổi, khai thác, phát huy tiềm năng của thành phố cảng”, ông Điệp cho biết.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển các khu, cụm công nghiệp. Vì vậy, chính quyền địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển phân khúc BĐS công nghiệp thông qua hàng loạt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Đồng thời đặt ra các giải pháp cụ thể để phát triển các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững. Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết khu vực và kết nối quốc tế; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.
Việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được phê duyệt là tiền đề giúp thị trường BĐS Hải Phòng vốn nhiều tiềm năng và thế mạnh sẽ bứt phá mạnh mẽ, để thu hút các nhà đầu tư BĐS trong nước và quốc tế – ông Điệp nói thêm.
Chia sẻ rõ hơn những chuyển biến tích cực của thị trường BĐS Hải Phòng, ông Tô Hùng, CEO Recbook, Trưởng Văn phòng đại diện VARS Hải Phòng cho biết, trong quý III/2023, việc ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng cho vay đầu tư BĐS, cho phép vay “đảo nợ” ngân hàng khác… phần nào tháo gỡ được các khó khăn về thanh khoản cho các nhà đầu tư, đồng thời kích thích nhu cầu mua của các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt.
Mặc dù mức giá chưa tăng nhiều nhưng thị trường BĐS Hải Phòng đã ghi nhận lượng giao dịch diễn ra nhiều hơn ở đồng loạt các phân khúc. Thị trường đón nhận một lượng lớn môi giới, văn phòng, công ty, sàn giao dịch kinh doanh dịch vụ BĐS quay trở lại “đường đua”. Thông tin các dự án thấp tầng sắp ra mắt cuối năm nay được kỳ vọng sẽ dẫn dắt, làm thị trường ấm trở lại hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2023.
Khảo sát tính thanh khoản thị trường BĐS Hải Phòng trong 3 tháng tới, ông Hùng cho biết, có khoảng 55% các giao dịch chủ yếu đến từ các sản phẩm nhà, đất phục vụ tiêu dùng có giá trị từ 1 – 3 tỷ; 28% với các sản phẩm vùng ven có giá trị thấp từ 200 – 600 triệu và 17% đối với sản phẩm đầu tư sẽ có giao dịch với những sản phẩm cắt lỗ, giá thấp hơn so với thị trường hoặc các sản phẩm đầu tư tạo ra khai thác dòng tiền nhưng giá trị từ 3 – 10 tỷ.