Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng đánh giá, 5 năm qua, tổng mức đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn tăng trên 10 lần so những năm trước, tỷ lệ tăng trưởng đạt bình quân hàng năm hơn 25%. Sở dĩ đạt kết quả trên do thị trường bất động sản Hải Phòng có 5 nhân tố nổi bật…
Toàn cảnh hội nghị “Bất động sản Hải Phòng: Điểm sáng trong từng phân khúc”
Phát biểu tại hội nghị “Bất động sản Hải Phòng: Điểm sáng trong từng phân khúc”, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng-Phó Ban tuyên truyền lý luận, cho biết Hải Phòng là 1 trong 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Mặt khác, đây cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục lớn tại khu vực phía Bắc và Duyên hải Bắc Bộ. Vì vậy cùng với những chính sách thu hút đầu tư, Hải Phòng được đánh giá nắm giữ không ít tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
QUỸ ĐẤT RỘNG, NGUỒN LAO ĐỘNG NHẬP CƯ DỒI DÀO
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, 5 nhân tố nổi bật khiến thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển mạnh nhiều phân khúc: thứ nhất, Hải Phòng có quỹ đất rộng, nguồn lao động nhập cư dồi dào tại các khu công nghiệp là điều kiện hàng đầu giúp phát triển nhà ở; thứ hai, mặt bằng giá bất động sản Hải Phòng hiện thấp và tăng chậm; thứ ba, những điều chỉnh quy hoạch Hải Phòng đang làm tăng tính hấp dẫn của thị trường bất động sản; thứ tư, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư công tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản; thứ năm, bất động sản công nghiệp Hải Phòng đã lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư quốc tế, khiến thu hút FDI của địa phương luôn tăng cao.
Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ, giữa tâm điểm thị trường đầy biến động, bất động sản Hải Phòng vẫn là “điểm sáng” do liên tục nhận những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư. Một loạt công trình trọng điểm khởi công xây dựng từ giao thông tới nhà ở xã hội. “Kết quả trên chính nhờ sự quan tâm từ cấp Trung ương cùng nỗ lực, quyết tâm của thành phố về công tác quy hoạch lẫn đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị…”, ông Điệp phân tích, đồng thời cho rằng: Hải Phòng còn có tiềm năng, thế mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp nên chính quyền địa phương đang tập trung nguồn lực cho phân khúc bất động sản công nghiệp thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách.
Theo ông Điệp, hiện thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù như: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Những điều kiện này chắc chắn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Hải Phòng.
NHU CẦU NHÀ Ở TIẾP TỤC TĂNG
TS. Phong chia sẻ, theo Nghị quyết 45/NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Hải Phòng trở thành một cực quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và động lực của vùng Bắc Bộ cũng như cả nước; đi đầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm hình thành thành phố công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững….; mặt khác, Hải Phòng phấn đấu đạt hàng loạt các chỉ tiêu xanh, gồm: cảng biển xanh, đô thị xanh, giao thông xanh, tiêu dùng xanh. Do đó đầu tư xây dựng đô thị bất động sản tương lai, chủ đầu tư nên hướng tới yếu tố xanh.
Ngoài ra mục tiêu cụ thể năm 2025, thành phố cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đạt tiêu chí đô thị loại I, hướng tới 2045 là đô thị loại đặc biệt. Đồng thời, không chỉ trọng điểm kinh tế mà còn là trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; hơn nữa Hải Phòng tương lai được Trung ương quyết định dịch chuyển trung tâm thành phố sang phía Bắc sông Cấm để xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả… Vậy, tất yếu đi kèm phải triển khai nhiều hoạt động xây dựng hạ tầng và nhà ở. Chính điều chỉnh này sẽ làm động lực cho thị trường và khẳng định triển vọng của bất động sản Hải Phòng.
Chia sẻ thêm, ông Lê Đình Chung, CEO SGO Homes, đánh giá: Hiện nay, Hải Phòng vẫn tích cực mở rộng nhiều khu công nghiệp, dự kiến đến năm 2030 tăng lên khoảng 6.200 ha (hiện trạng 4.400 ha), như vậy càng thu hút thêm lao động, chuyên gia từ trong, ngoài nước. Theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh việc di dân, từ 2 triệu người đến năm 2030 lên 3 triệu người nên rõ ràng nhu cầu nhà ở tương đối cao. Vì thế, thành phố đặt mục tiêu năm 2030 tăng diện tích sàn thương mại nhà ở khoảng 37 triệu m2, nghĩa là để đáp ứng tương lai ước cần 200.000 đơn vị nhà ở. Đó là điều khiến thị trường nhà ở nơi đây thu hút nhà đầu tư.
Tuy nhiên, giá bất động sản Hải Phòng chưa tương xứng, phù hợp tiềm năng bất động sản. Tính trong khu vực phía Bắc, Hải Phòng có chỉ số kinh tế phát triển bền vững nhưng giá bất động sản Hải Phòng khi so cùng Hà Nội, Quảng Ninh lại cách quá xa. Thế nên đi liền với tiềm năng rộng mở, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, mặt bằng giá chưa tăng cao, thì giá bất động sản Hải Phòng hứa hẹn sự tăng tốc vào thời gian tới.
Trước một số ý kiến đánh giá tiềm năng của thị trường bất động sản Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, mong muốn chính quyền tỉnh thời gian tới nên có cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung ứng dụng tốt khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, minh bạch quy hoạch, thông thoáng chính sách pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư đến Hải Phòng. “Dù thị trường bất động sản nói chung còn khó khăn nhưng cơ hội, triển vọng hồi phục vẫn luôn hiện hữu với bất động sản Hải Phòng”, ông Nguyễn Quang Văn nói.