Bất động sản Hải Phòng ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư

Không ít nhà đầu tư dạng “cá mập” từ tỉnh khác đã tìm đến Hải Phòng đầu tư. Ngoài ra trước đây, các nhà đầu tư thành phố phải đi nơi khác để kiếm cơ hội, thì nay họ tìm và đầu tư vào các dự án ngay chính tại thành phố…

Phát biểu trong sự kiện gần đây ở Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khẳng định thị trường bất động sản Hải Phòng bắt đầu sáng lên và được nhiều nhà đầu tư chú ý, tìm đến.

ĐÃ CÓ SỰ THAY ĐỔI

Theo ông Đính, nếu như 5 năm trở về trước, thị trường bất động sản Hải Phòng không hấp dẫn nhà đầu tư, bởi nguồn cung không nhiều, hàng hóa nghèo nàn, tăng trưởng kinh tế không như mục tiêu đặt ra, thì 5 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Hải Phòng lại có sự thay đổi. Trong đó, không ít nhà đầu tư bất động sản dạng “cá mập” từ những tỉnh, thành khác đã tìm đến Hải Phòng để đầu tư. Ngoài ra lúc trước, các nhà đầu tư thành phố phải đi nơi khác kiếm cơ hội, nay họ lại tìm và đầu tư dự án ngay chính tại Hải Phòng.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nhận xét rằng những năm gần đây đang diễn ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng với hành trình về phương Nam. Mà Việt Nam, các tỉnh khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng có lợi thế rất lớn trong thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia. Từ lợi thế cửa ngõ hướng ra biển, Hải Phòng có thể là địa bàn chiến lược của nhiều tập đoàn lớn trong lẫn ngoài nước.

Lý giải nguyên nhân “đảo chiều” của thị trường bất động sản Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Đính phân tích, Hải Phòng là đô thị lịch sử, sẵn có nhiều năng lực, tiềm lực song ở dạng ẩn mà trước đây chưa được kích hoạt. Hiện nay, các mục tiêu quy hoạch, chiến lược đã thay đổi theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, cải cách hành chính, nên được nhà đầu tư rất quan tâm, chú ý.

Mặt khác, thời gian qua, Hải Phòng còn thay đổi nhanh, nhất là hạ tầng. Chính sự đầu tư đồng bộ những tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối giao thông được hoàn thiện đã tạo ra không gian Hải Phòng gần hơn với vùng kinh tế khác. Thành phố cũng đưa ra giải pháp giúp phát triển, tăng trưởng công nghiệp, du lịch hàng năm tăng cao. Hai hoạt động này tăng trưởng mạnh mẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động khiến nhà đầu tư bất động sản quan tâm hơn. Cùng với hoạt động đầu tư đô thị, dự án nhà ở được đẩy mạnh, bao gồm cả dự án nhà ở xã hội, từ đó càng thúc đẩy hoạt động khác phát triển. Tiếp nữa, việc đẩy mạnh cung cấp, khai thác cảng biển, nâng cấp đô thị cũng thu hút nguồn vốn FID và nhà đầu tư nước ngoài đến Hải Phòng.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động, giao dịch trên thị trường bất động sản cả nước khá chậm, dù Chính phủ nghiên cứu nhiều giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy. Tuy nhiên, thị trường bất động sản ở Hải Phòng 1-2 tháng gần đây rất lạ lùng khi nhiều dòng vốn đổ về. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ có gần 6.000 sản phẩm bất động sản giao dịch, song riêng Hải Phòng ghi nhận khoảng 500 sản phẩm giao dịch. Trong đó, sản phẩm cao cấp chiếm phần lớn”, chuyên gia thông tin.

Bất động sản Hải phòng tăng nhiệt thu hút nhà đầu tư
KIỂM SOÁT GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN ĐỂ TRÁNH TẠO CƠN SỐT

Để thị trường bất động sản Hải Phòng tiếp tục phát triển, ông Đính kiến nghị thành phố cần có kế hoạch thực thi đầu tư theo quy hoạch, theo từng giai đoạn; có chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho dự án để hỗ trợ doanh nghiệp; có chính sách quản lý hoạt động và đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản. Đặc biệt phải minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch cũng như chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố; kiểm soát giá bất động sản, đất đai, tránh tạo cơn sốt, tạo bong bóng bất động sản để phát triển bền vững.

Ngoài ra, thực hiện tốt các quy định trong quy hoạch TP.Hải Phòng, như: xây dựng và phát triển thành phố trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết khu vực và kết nối quốc tế; chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế – xã hội phải gắn liền với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, nhấn mạnh: “Thực tế, Hải Phòng có lợi thế là thành phố trực thuộc trung ương, lợi thế liên quan đến cơ chế, chính sách và nguồn lực ưu tiên. Bên cạnh đó, thành phố có cả lợi thế về hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hàng không, trong đó, lợi thế cao nhất là giao thông đường thuỷ với hệ thống cảng biển. Nếu khai thác tốt sẽ giúp Hải Phòng bứt phá ở rất nhiều lĩnh vực”.

Theo ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, chính quyền thành phố cần cam kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Hải Phòng về hỗ trợ thủ tục hành chính, thành lập tổ công tác phản ứng nhanh giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư. Bởi, nhà đầu tư sợ nhất vướng thủ tục, tiến độ thi công chậm, dẫn đến giá nhà tăng cao.

Thanh Xuân/vneconomy.vn