Văn phòng đăng ký đất đai thua kiện vì từ chối cấp sổ đỏ.

Ông Nguyễn Văn Định kiện Văn phòng đăng ký đất đai vì không cấp sổ đỏ đối với hơn 8.700 m2 đất tự khai hoang ở La Gi và được tòa chấp nhận.

Vụ kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai giữa ông Nguyễn Văn Định với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận được TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, ngày 13/10.

Theo bản án sơ thẩm, năm 1994, gia đình ông Định khai hoang hơn 13.000 m2 đất tại thôn Hồ Tôm, thị trấn La Gi (nay là xã Tân Phước, thị xã La Gi) và cất nhà tạm để ở. Hai năm sau, ông sử dụng 4.000 m2 để đào ao nuôi tôm còn lại trồng cây hoa màu. Do không đạt hiệu quả kinh tế nên gia đình ông chuyển sang trồng cây keo, tràm.

Trong suốt thời gian sử dụng, ông nhiều lần liên hệ với UBND xã Tân Phước xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất trên, song không được giải quyết.

Tháng 4/2020, ông Định tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 9.000 m2 còn lại (đo thực tế còn 8.700 m2). Đến đầu năm 2021, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi có văn bản trả lời ông Định không đủ điều kiện xét cấp giấy chứng nhận. UBND xã Tân Phước cũng trả hồ sơ của ông Định vì “không thống nhất được ranh giới với chủ đất liền kề”.

Ông Định sau đó đã thống nhất được với chủ đất giáp ranh và tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khi đo đạc lại đất, UBND xã đã ghi biên bản hiện trạng đất ông Định xin cấp giấy chứng nhận là “đất đồi hoang cột cờ do Nhà nước quản lý”.

Căn cứ vào đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi tiếp tục có văn bản 1150 ngày 27/4/2021 với nội dung trả hồ sơ của ông Định.

Vợ chồng ông Định tại phiên tòa ngày 13/10. Ảnh: Hải Duyên

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Định tại phiên tòa ngày 13/10. Ảnh: Hải Duyên

Ông Định cho rằng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi ra văn bản không thực hiện thủ tục cấp sổ đối với diện tích đất mà gia đình đã sử dụng canh tác từ năm 1994 là ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, nên đã khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Thuận; đề nghị tòa tuyên huỷ văn bản 1150 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi, buộc cơ quan này cùng với UBND xã Tân Phước phải thực hiện các thủ tục cấp sổ cho gia đình ông.

Trình bày với tòa, Văn phòng đăng lý đất đai tỉnh Bình Thuận cho rằng, khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Định và một số người dân khác, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi đã tiến hành đo đạc, chỉnh lý theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, UBND xã Tân Phước đã xác nhận không thống nhất được ranh giới với đất kế bên và diện tích đất đo đạc là thuộc đồi hoang do Nhà nước quản lý. Do đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Định là không thực hiện được.

Văn bản 1150 gửi cho UBND xã Tân Phước là văn bản trao đổi nội bộ không phải đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

Là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi cho rằng, đến thời điểm hiện tại cơ quan này chưa tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất của của ông Định, nên chưa phát sinh hành vi hành chính.

Hơn nữa, việc xác định tính pháp lý đối với diện tích đất ông Định xin cấp sổ là thuộc trách nhiệm của UBND xã. UBND xã Tân Phước xác nhận phần đất này là đất chưa sử dụng thuộc quản lý của Nhà nước nên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi không thể giải quyết được.

Trong khi đó, đại diện UBND xã Tân Phước cho rằng, tháng 12/2005 UBND xã này mới được thành lập nên không có hồ sơ chứng minh ai đã trồng cây trên khu đất ông Định xin cấp sổ. Từ đó, UBND xác định đất này là đất công và gia đình ông Định chiếm dụng.

Hồi tháng 3, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Định, buộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi, UBND xã Tân Phước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định đối với hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất của ông Định.

Theo tòa, phần đất của gia đình ông Định đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận vì đã sử dụng lâu dài ổn định từ năm 1994 đến nay. Quá trình sử dụng đất không có quyết định thu hồi hay xử lý vi phạm hành chính của cơ quan nào đối với ông Định về hành vi lấn chiếm đất. “Đây là căn cứ để hộ gia đình ông Định được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với hơn 8.700 m2 đất nói trên theo Điều 100, 101 Luật Đất đai”, bản án nêu.

Tòa cũng viện dẫn nhiều căn cứ cho rằng việc UBND xã Tân Phước xác định phần đất nói trên là đất của Nhà nước, thuộc quyền quản lý của UBND xã, là không có căn cứ. Do UBND xã xác định sai tính chất pháp lý của thửa đất, từ đó Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai La Gi mới ban hành Văn bản 1150 trả hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận của ông Định. Việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất La Gi chưa báo cáo, trao đổi với UBND xã về việc đất có tranh chấp nhưng đã ra văn bản trả hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận là không đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Không đồng ý với phán quyết này, UBND xã Tân Phước kháng cáo bản án. Chính quyền xã này cho rằng đất ông Định xin cấp giấy chứng nhận là đất lấn chiếm. Sự việc lấn chiếm được UBND xã ghi nhận và lập biên bản vào ngày 15/6/2021, song TAND tỉnh đã đánh đồng với phần diện tích 4.000 m2 gia đình ông Định đã được cấp sổ.

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM đồng tình với quan điểm của TAND tỉnh Bình Thuận, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX cho rằng, UBND xã Tân Phước xác định ông Định lấn chiếm đất công nhưng các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ do các bên cung cấp không có văn bản nào của cơ quan chính quyền xác định ông Định có hành vi lấn, chiếm dụng đất công. “Đây là căn cứ quan trọng để xác nhận phần trình bày của UBND xã là không có căn cứ”, tòa nêu.

Tòa cũng cho rằng, cấp sơ thẩm xác định chưa đúng tư cách của người bị kiện. Trong vụ kiện này, người bị kiện phải là UBND xã Tân Phước chứ không phải Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, UBND xã Tân Phước tham gia đầy đủ phiên tòa, nên sai sót trong tố tụng này không ảnh hưởng đến bản chất giải quyết vụ án.

Hải Duyên/vnexpress.net