Sáng nay, báo Tiền phong tổ chức hội thảo Hiện thực hóa quy hoạch thành phố Hải Phòng, bứt phá thị trường bất động sản.
Hải Phòng cần tập trung phát triển hạ tầng khung, đặc biệt là giao thông
Thành phố Hải phòng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng (QĐ323) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới so với quy hoạch cũ. Từ định hướng Hải Phòng là đô thị loại trung tâm cấp quốc gia, vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc thì nay được định hướng thành đô thị loại I trực thuộc trung ương. Một thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới với hai vành đai kinh tế, ba hành lang cảnh quan, ba trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, cảng biển đã tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng.
Sự ra đời của bến cảng Lạch Huyện cho phép tiếp nhận các tàu thuyền trọng tải lớn đi thẳng đến các châu lục Âu, Mỹ đã tạo động lực cho Hải Phòng mở rộng các cụm công nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI lớn.
Theo đó, nhiều chỉ tiêu đất được điều chỉnh, đặc biệt là mở rộng các dự án bất động sản. Cụ thể, trong quy hoạch cũ, định hướng đến 2015, đất xây dựng đô thị chỉ 23.000 – 24.000 ha, đất dân dụng đạt 9.500 – 10.900 ha. Thì trong quy hoạch mới, định hướng 2040, đất xây dựng đô thị là 72.000 – 73.000 ha, đất dân dụng đạt 25.500- 26.500 ha.
Cùng với đó là định hướng mở rộng các khu đô thị về hướng Đông, khai khác hết quỹ đất xây dựng các khu nhà ở mới tại quận Hải An. Mở rộng về phía Đông Nam, dọc đường Phạm Văn Đồng: Khu đô thị mới đường 353, sân golf Đồ Sơn và khu giáo dục đào tạo, nghỉ dưỡng…
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, thành phố Hải Phòng kế thừa và phát triển mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”.
Việc quy hoạch đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển mới cho thị trường bất động sản (BĐS) cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở sinh thái và nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Văn, giá đất thấp tại các khu vực đô thị vệ tinh là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường nhà ở xã hội, điều mà các khu vực nội đô đã không còn đáp ứng được.
Cùng với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, quy hoạch chung thành phố cũng đã xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố với quy mô khoảng trên 400ha. Đây là một đòn bẩy trong lĩnh vực phát triển thị trường BĐS nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng…
Tuy nhiên, ông Văn cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay Hải Phòng gặp phải là nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung giao thông đồng bộ theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Do đó, ông Văn kiến nghị, Hải Phòng huy động các nguồn lực kinh tế, tiếp tục khẩn trương xây dựng, hoàn thiện công cụ pháp lý, đó là các quy hoạch cấp dưới sau quy hoạch chung,…
Đồng thời, tập trung nguồn lực để cụ thể hóa các quy hoạch ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khung đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đô thị, công nghiệp và hạ tầng du lịch.
Bất động sản công nghiệp và nhà ở cho công nhân là điểm nhấn
Báo cáo trước đó của VARS, năm 2022, Hải Phòng ghi nhận gần 10.000 sản phẩm nhà ở mở bán, trong đó hơn 90% là sản phẩm căn hộ chung cư, chỉ đứng sau nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ hấp thụ BĐS nhà ở đạt khoảng 28%, tương đương gần 2.800 giao dịch thành công, chủ yếu từ căn hộ cao cấp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thông tin về thị trường bất động sản Hải Phòng.
Nửa đầu năm 2023, thị trường BĐS Hải Phòng là điểm sáng của cả nước. 11 dự án mở bán, đưa ra thị trường gần 2,500 sản phẩm. 70% nguồn cung là sản phẩm căn hộ cao cấp đến từ các dự án ở quận Lê Chân. Từ đầu quý II, thị trường BĐS Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, giá BĐS tăng từ 5-10% so với Quý I.
Tỷ lệ hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2023 là 18,2%, tương đương với 443 giao dịch. Riêng quý 2, tỷ lệ hấp thụ đạt 24%, tăng hơn mức 18% ở cùng kỳ năm 2022. Phân khúc chung cư dẫn đầu lượng giao dịch thị trường BĐS Nhà ở Hải Phòng. BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tăng cao.
Cũng nửa đầu năm nay, Hải Phòng đã thành lập 3 cụm công nghiệp với quy mô 150ha. Dự kiến, ba năm tới, Hải Phòng xây dựng 15 KCN mới với tổng diện tích 6200ha, thu hút 12-15 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Do đó, ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng cho rằng, với lợi thế về giao thông, hạ tầng đô thị, công nghiệp, thời gian tới bất động sản Hải Phòng rất sôi động.
BĐS nhà ở, phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường cũng như gây bất ngờ về khả năng hấp thụ chính là căn hộ chung cư cao cấp, nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp và đặc biệt là các khu nhà ở thấp tầng tại khu ven đô.
Ông Hưng cho biết, các khu công nghiệp ở Hải Phòng có hạ tầng đồng bộ, thuận tiện giao thông nên được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đặt cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về đất công nghiệp ngày càng cao, Hải Phòng đang phát triển thêm các khu công nghiệp mới trên toàn thành phố. Với định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng là triển bền vững theo hướng khu công nghiệp sinh thái là điểm nhấn quan trọng để quyết định lợi thế.
Ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho hay, thu hút lực lượng lao động nhập cư vào Hải Phòng là nhiệm vụ quan trọng, đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được Hải Phòng quan tâm, trở thành 1 chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội thảo, ông Văn cũng đề xuất chính sách đặc biệt nhằm hỗ trợ để thu hút cho người lao động, người thu nhập thấp. Theo ông Văn, khi người lao động đến với Hải Phòng, ngân hàng nhà nước sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 1/3 giá trị nhà, 1/3 còn lại do các chủ đầu tư dự án hỗ trợ. Ví dụ, một căn hộ 450 triệu, ngân hàng nhà nước cho vay 300 triệu, chủ đầu tư cho vay trả góp 150 triệu.
Ông Văn cho rằng, nếu thực hiện được như vây, Hải Phòng sẽ thu hút được người lao động. Nói đi cũng nói lại, chính quyền Hải Phòng cũng cần phải có những chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút các chủ đầu tư.